Cục Trưởng Cục Quản lý Giá làm việc với Sở Tài chính Gia Lai về các vấn đề triển khai thực hiện Luật Phí và Lệ phí tại địa phương.
25/10/2016
Sáng ngày 25/10/2016, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Cục Trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính làm việc với Sở Tài chính tỉnh Gia Lai một số vấn đề về triển khai Luật Phí và lệ phí; trao đổi, định hướng một số vấn đề về triển khai các quy định của Trung ương về công tác quản lý giá.
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác quản lý giá, Sở Tài chính báo cáo một số vấn đề còn vướng mắc khi triển khai thực hiện tại địa phương như sau:
1) Triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá quy định tại Thông tư số 142/2015/TT-BTC ngày 04/9/2015 của Bộ Tài chính:
Đến nay, Bộ Tài chính chưa có Văn bản hướng dẫn thu thập, cập nhật, cung cấp thông tin về giá và thẩm định giá phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Một số nội dung khi xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá chưa được hướng dẫn cụ thể: chưa quy định về kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại các thông tin dữ liệu trước khi được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; chưa quy định về kiểm duyệt nội dung dữ liệu về giá được xây dựng, cập nhật, điều chỉnh, đăng tải trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; chưa quy định mức mua thông tin về giá cho từng loại thông tin.
2) Giá tính Thuế Tài nguyên:
Bộ Tài chính chưa ban hành khung giá tính Thuế Tài nguyên; chi phí chế biến được trừ đối với trường hợp tài nguyên khai thác được đưa vào sản xuất, chế biến thành sản phẩm công nghiệp mới bán ra.
Chưa có quy định thống nhất về cơ quan chủ trì xây dựng Bảng giá tính Thuế Tài nguyên để địa phương tổ chức triển khai thực hiện: Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có nêu: Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh chủ trì xây dựng, điều chỉnh giá tính Thuế Tài nguyên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong khi đó, Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 Hướng dẫn về Thuế Tài nguyên có nêu: cơ quan chức năng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá tính Thuế Tài nguyên.
Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu trình Chính phủ về quy định Bảng giá đất ổn định 5 năm, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Sở Tài chính cũng đã báo cáo đồng chí Cục Trưởng Cục Quản lý giá một số vấn đề vướng mắc giữa khung giá đất của Chính phủ quy định còn thấp hơn nhiều so với giá phổ biến trên thị trường. Vì vậy, việc xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm với tỷ lệ giá cao từ 1,4 – 3 lần, có vị trí, tuyến đường, khu vực lên đến 5-6 lần. Điều này mâu thuẫn với Luật Đất đai khi giá đất tăng, giảm 20% liên tục trong vòng 180 ngày thì phải điều chỉnh Bảng giá đất.
Mặt khác, do chưa tiệm cận giữa Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất nên việc đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng phải xác định giá đất cụ thể chênh lệch rất lớn so với giá đất do Nhà nước quy định.
Đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuế mặt nước để địa phương triển khai thực hiện.
Sau khi nghe báo cáo và một số vướng mắc của Sở Tài chính, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Cục Trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính định hướng một số vấn đề cần lưu tâm để triển khai công tác quản lý giá tại địa phương theo quy định của Trung ương, cụ thể hướng dẫn một số vấn đề về giá đất, giá tính thuế tài nguyên, công tác quản lý nhà nước về các Doanh nghiệp, tổ chức thẩm định giá... Đồng thời, ghi nhận một số vấn đề còn vướng mắc khi triển khai thực tế tại địa phương, báo cáo Bộ Tài chính xem xét ban hành hướng dẫn để địa phương sớm triển khai thực hiện.