Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Tin tổng hợp > Nhớ mãi lời dặn của chú Sáu Khải

Nhớ mãi lời dặn của chú Sáu Khải

22/03/2018
(GLO)- Giữa những ngày Quốc tang nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm cách đây đúng 15 năm với vị lãnh đạo đáng kính này. Ngày đó, Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm và làm việc với Công ty Cà phê Gia Lai trong bối cảnh ngành cà phê vô cùng khó khăn, an ninh chính trị ở Tây Nguyên diễn biến rất phức tạp.


Cách đây 15 năm, tôi là Giám đốc Công ty Cà phê Gia Lai, một doanh nghiệp đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề. Các ngân hàng tìm cách thoái vốn để thu nợ; Bảo hiểm Xã hội thì dừng thanh toán chế độ; các cơ quan quản lý tập trung kiểm tra, thanh tra; đời sống người lao động vô cùng khó khăn; giá cà phê xuống mức thấp chưa từng có (800 đồng/kg cà phê tươi, khoảng 4.200 đồng/kg cà phê nhân).
 
chu6khai.jpg
Thủ tướng Phan Văn Khải (bìa phải) và tác giả trong một chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tại Gia Lai. Ảnh: Tư liệu
 
Trước tình hình khó khăn trên, tại Hội nghị thường niên Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), là doanh nghiệp nhỏ không được báo cáo tại hội nghị nên trong lúc giải lao, tôi đã mạnh dạn tìm gặp và báo cáo nhanh với Thủ tướng Phan Văn Khải-người vẫn được gọi thân mật là chú Sáu Khải.

Tôi nói với chú Sáu Khải: “Tình hình Tây Nguyên đang rất phức tạp, giá cà phê thấp quá nên đời sống nhân dân nói chung và người trồng cây cà phê nói riêng khó khăn quá chú à. Có dịp chú ra thăm và giúp công ty cháu với”. Nghe vậy, Thủ tướng hỏi: “Cháu ở doanh nghiệp nào?”. Tôi trả lời: “Cháu là Giám đốc Công ty Cà phê Gia Lai, quản lý gần 1.000 công nhân và người lao động. Do giá cà phê xuống thấp nên khó khăn quá, không thể vượt qua được”. Thủ tướng liền nói: “Văn phòng Chính phủ sắp xếp để Thủ tướng sớm về thăm Tây Nguyên và Công ty”.

Tôi rất mừng nhưng vẫn chưa tin là Thủ tướng sẽ về thăm Gia Lai. Nhưng chỉ 2 tháng sau, Thủ tướng về thăm thật. Trong đoàn đi có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và một số ngành khác. Chuyến thăm của Thủ tướng chỉ kéo dài 1 ngày. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào buổi sáng,  buổi chiều, Thủ tướng về làm việc với cán bộ, công nhân, người lao động Công ty Cà phê tỉnh rồi sang Đak Lak luôn.

Buổi làm việc tại Công ty Cà phê Gia Lai diễn ra chưa đầy 2 tiếng đồng hồ nhưng Thủ tướng đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn để sau này trụ vững và phát triển đi lên. Sau khi nghe tôi báo cáo xong, Thủ tướng chỉ đạo: “Phải chăm lo ngay đời sống công nhân, người lao động”. Thủ tướng còn yêu cầu ngân hàng phải cho khoanh nợ, giãn nợ, không để quá hạn; Bảo hiểm Xã hội phải đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, nhất là chế độ ốm đau, thai sản, không để công nhân, lao động phải nghỉ việc...

Tôi nhớ mãi lời dặn dò của chú Sáu Khải: Cháu phải cố mà giữ và phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên. Chính phủ sẽ có cơ chế. Cháu là người thực tế nên phải chủ động báo cáo đề xuất với lãnh đạo tỉnh và Chính phủ… vì cà phê là thế mạnh của Tây Nguyên, đặc biệt là cà phê Robusta, không được phá bỏ cho dù giá có xuống thấp. Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, phải kiên trì, phải biết giảm chi phí, điều chỉnh cơ cấu đầu tư để hạ giá thành sản phẩm, nhất là trong khâu sản xuất, đồng thời phải đầu tư chế biến sâu vì cà phê thương phẩm giá vẫn không giảm. Phải xây dựng cho được thương hiệu cà phê Gia Lai để xuất khẩu ra thị trường quốc tế và tiêu thụ trong nước hợp với khẩu vị, tập quán người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tôi đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để cùng với Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam đi tham khảo thị trường ở một số nước sản xuất cà phê nhiều như: Colombia, Venezuela, Brazil, Peru… Sau chuyến đi, tôi đã chủ động báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Huy Ngọ cho tiếp tục đầu tư để nâng cao năng suất vườn cà phê Robusta của Công ty; đồng thời động viên, tăng lương cho công nhân, người lao động, tiết kiệm chi phí thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: tái canh giống mới, ghép cải tạo vườn cây, tưới tiết kiệm… để hạ giá thành. Nhờ đó, Công ty không những ngăn được đà thua lỗ mà còn có lãi 2-3 tỷ đồng và trở thành công ty đầu tàu, làm “bà đỡ” cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tôi cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trong tỉnh để xây dựng và quảng bá thương hiệu cà phê của tỉnh như: Thu Hà, Thanh Thủy, Phiên Phương… đồng thời xúc tiến thành lập Hiệp hội Cà phê Gia Lai. Rất tiếc là sau đó tôi được tỉnh điều động về lại làm Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nên không thành lập được Hiệp hội Cà phê Gia Lai để xây dựng thương hiệu.

Vẫn nhớ lời dặn của chú Sáu Khải, tôi đã cùng Hội Nông sản tỉnh ký quy chế phối hợp cho vay đầu tư trồng, chăm sóc các vườn cà phê của nông dân ở các xã Ia Tiêm, Ia Pal (huyện Chư Sê), Ia Hrú (huyện Chư Pưh), Ia Phìn (huyện Chư Prông), Ia Sao (huyện Ia Grai)… Sau đó, tôi cùng lãnh đạo huyện Chư Sê xin ý kiến và được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” cho đến ngày hôm nay.

Giờ đây, chú Sáu Khải đã về với cõi vĩnh hằng. Tôi viết mấy dòng này để tưởng nhớ chú và cũng là để nhớ lời dặn dò, chỉ bảo có tính chiến lược của chú: “Dù giá cà phê có xuống thấp cũng phải cố gắng giữ và phát triển vì đây là lợi thế của tỉnh nhà”. Đúng như lời dạy của chú, hiện nay, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như: cao su, cà phê, hồ tiêu… dù có giảm giá nhưng vẫn là thế mạnh của tỉnh mà không có gì thay thế được. Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê vẫn thành công như: Vĩnh Hiệp, Ngọc Linh, Thanh Thủy, Hoa Trang… dù bên cạnh đó cũng có doanh nghiệp thua lỗ, phá sản do áp lực từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Xin thắp nén nhang vĩnh biệt chú Sáu Khải-vị Thủ tướng đáng kính!
Nguyễn Dũng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Go to Top