Trang chủ > Tin tức - Sự kiện > Thông tin tài chính > Khẩn trương hỗ trợ người chăn nuôi Gia Lai

Khẩn trương hỗ trợ người chăn nuôi Gia Lai

05/07/2019
(GLO)- Gần 2 tháng qua, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện của tỉnh. Để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động chăn nuôi, công tác hỗ trợ kinh phí đang được các ngành chức năng và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.






Nỗ lực hạn chế dịch lây lan 
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tính đến ngày 1-7, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 255 hộ gia đình thuộc 17 xã, thị trấn của 4 huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ và Phú Thiện. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 1.478 con, với khối lượng 37.670 kg.
Ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính (thứ 2 phải sang) trao đổi thông tin về việc hỗ trợ người chăn nuôi heo. Ảnh: S.C
Ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính (thứ 2 phải sang) trao đổi thông tin về việc hỗ trợ người chăn nuôi heo. Ảnh: S.C
 
Sau khi phát hiện dịch, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống, không để dịch lây lan trên diện rộng. Hiện nay, trên địa bàn một số xã đã qua hơn 20 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh, như: Chư Don, Ia Blứ và Ia Phang (huyện Chư Pưh); Ia Mơr, Ia Piơr và Bình Giáo (huyện Chư Prông); hoặc tại các xã của huyện Đức Cơ và Phú Thiện. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xuất hiện rải rác số heo bị tiêu hủy nhưng số lượng không đáng kể; phần lớn số heo chết và mắc bệnh do phương thức chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số (chăn thả rông) nên khả năng lây lan bệnh rất cao. Đáng chú ý, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) đã qua 33 ngày không phát sinh heo bệnh. Do đó, UBND huyện Chư Pưh đang hoàn tất các thủ tục để công bố hết dịch tả heo châu Phi.
 
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Hiện tại, ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn quyết liệt triển khai các biện pháp phòng-chống dịch với mục tiêu hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của dịch bệnh, không để dịch tiếp tục lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn các địa phương thống kê rà soát thiệt hại để hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi”. 
 
Hỗ trợ kịp thời, đúng quy định 
 
Từ ngày 14-5 đến 1-7-2019, toàn tỉnh có 1.478 con heo các loại mắc bệnh dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy, trong đó có 304 heo nái, 62 heo đực giống và 1.112 heo thịt, heo con. Theo đó, việc hỗ trợ cho người chăn nuôi là vấn đề cấp thiết nhằm giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động chăn nuôi. Để xúc tiến việc này, liên Sở Tài chính-Nông nghiệp và PTNT đã bàn bạc, thống nhất với UBND các huyện xảy ra dịch bệnh, đề xuất UBND tỉnh tạm thời ban hành mức hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy.
 
Ngày 27-6-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức kinh phí phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi. “Trên cơ sở này, liên Sở Tài chính-Nông nghiệp và PTNT đã có các tờ trình và đã được UBND tỉnh thống nhất với đề xuất. Theo đó, người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh từ ngày 14-5 đến hết ngày 26-6-2019 (trước ngày Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực) thì được áp dụng mức hỗ trợ 32.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt các loại; 64.000 đồng/kg đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác. Trường hợp người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy từ ngày 27-6 đến hết ngày 31-12-2019 thì thực hiện hỗ trợ từ nguồn kinh phí trong phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”-ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết.
 
Lãnh đạo Sở Tài chính cũng lưu ý, UBND các huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát việc tiêu hủy. Đồng thời, cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để thực hiện công tác hỗ trợ cho người chăn nuôi kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách hoặc để sót đối tượng được hỗ trợ. Tiếp đó, UBND các huyện tổng hợp tình hình báo cáo về Sở Tài chính để trình UBND tỉnh xuất ngân sách cấp bổ sung cho các địa phương. Liên quan đến việc hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng-chống dịch bệnh tại địa phương, thời điểm từ ngày 26-6-2019 trở về trước thì áp dụng kinh phí hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày; từ ngày 27-6-2019 trở đi thì áp dụng kinh phí hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ tạm ứng kinh phí thực hiện hỗ trợ trong thời gian trình HĐND tỉnh thông qua.
 
Nguyễn Diệp-Sơn Ca
Go to Top