Quá trình hình thành và phát triển


         Ngay khi cách mạng Tháng Tám thành công, ngành Tài chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập và làm nhiệm vụ phục vụ chính quyền cách mạng non trẻ. Ngân quỹ quốc gia khánh kiệt, thù trong, giặc ngoài, vận mệnh Tổ quốc ngàn cân treo sợi tóc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tâm sáng ngời và tài thao lược của Bộ Trưởng đầu tiên Phạm Văn Đồng sau này là Thủ tướng Chính phủ đã sáng kiến đưa ra hàng loạt biện pháp được áp dụng và tất cả đều nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng, khuyến khích tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, động viên mọi người góp của, góp công vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Tuần lễ vàng, Quỹ Độc lập, Hũ gạo nuôi quân… đã được tổ chức và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân.
         Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Ngành Tài chính Việt Nam, Tài chính Tỉnh Gia Lai cũng trải qua các thời kỳ lịch sử của 2 cuộc Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và Cách mạng XHCN.
         Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi dành được chính quyền, nhân dân tỉnh ta đã hăng hái hưởng ứng “tuần lễ vàng” do Chính phủ kêu gọi để xây dựng Quỹ độc lập. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã sẵn sàng đem hiến vàng cho Chính phủ, có người hiến cả những kỷ vật riêng bằng vàng của mình. Sau Tuần lễ Vàng là “Tuần lễ Đồng”, nhân dân cũng đã quyên góp sắt, thép, đồng, nhôm để chế tạo vũ khí. Mỗi gia đình đều có “hũ gạo nuôi quân” để đóng góp lương thực cung cấp cho bộ đội. Đồng tiền Việt Nam có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân trong Tỉnh trân trọng và được lưu hành rộng rãi.
         Thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, trong điều kiện địa bàn bị chia cắt, chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Thực hiện phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng Tây nguyên thành căn cứ cách mạng, hoạt động tài chính lúc này chủ yếu tập trung vào việc vận động nhân dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng gia tự túc, huy động các khoản đóng góp của nhân dân, của đồng bào các dân tộc để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ cho chiến đấu. Hàng năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tấn gạo, hàng trăm ngàn gốc sắn, hàng chục vạn ngày công,… cung cấp phần lớn lương thực tại chỗ cho các đơn vị bộ đội hoạt động trên địa bàn và cứu đói, cứu lạt, cứu rách cho nhân dân một số vùng căn cứ, vùng giải phóng. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng xây dựng căn cứ địa hậu phương vững mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975.
         Sau ngày giải phóng, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hết sức khó khăn, là một tỉnh đất rộng người thưa, có nhiều dân tộc anh em, trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại gánh chịu hậu quả nặng nề sau 30 năm chiến tranh, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, lực lượng Fulrô chống phá nhiều mặt. Trong điều kiện tiền vốn, vật tư thiếu thốn, thu, chi ngân sách mất cân đối, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa yếu, cơ chế quản lý nặng về bao cấp, ngành Tài chính đã tích cực xây dựng bộ máy, bước đầu vận hành cơ chế, chính sách tài chính thống nhất trong cả nước.
         Trải qua các thời kỳ phát triển, hệ thống tài chính địa phương đã từng bước được tăng cường. Tiền thân là Ban Tài chính Đảng, Ban Kinh - Tài, Ban Tài - Mậu, Ban Tài chính trong thời kỳ chiến tranh, đến nay, Ngành Tài chính Gia Lai đã có một hệ thống các cơ quan Tài chính gồm Sở Tài chính, Thuế, Kho Bạc, Hải quan và Chi cục dự trữ nhà nước. Chức năng của ngành đã được tăng cường, bao quát các hoạt động quản lý thu, chi ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý tài sản công, quản lý doanh nghiệp, quản lý xuất nhập khẩu… Bộ máy tài chính địa phương đã được mở rộng, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến tận cấp xã. Đội ngũ cán bộ, công chức Tài chính đã lớn mạnh, đến nay đã có gần 1.200 người, trên 3/4 đã tốt nghiệp đại học và hàng chục cán bộ ngành Tài chính đã có bằng cao học.
         Từ năm 1986, cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, Ngành Tài chính Tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã có nhiều chuyển biến và không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách kinh tế, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Năm 1991, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được chia tách, Ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển. Thu, chi ngân sách tăng trưởng liên tục với tốc độ nhanh, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 gấp hơn 3,4 lần so với giai đoạn 2001-2005, năm 2000 mới đạt 278 tỷ đồng, đến năm 2010 thu NS đạt trên 2.690 tỷ đồng tăng gấp 9 lần, đứng vị trí thứ 2 các tỉnh Tây nguyên. Đến năm 2014 thu NSNN đạt trên 3.559 tỷ đồng, tăng gấp 1,32 lần của năm 2010. Chi ngân sách địa phương quản lý giai đoạn 2006-2010 gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2001-2005, năm 2000 là 622 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 4.269 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển chiếm trên 23% tổng chi ngân sách địa phương. Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo chiếm 47% tổng chi thường xuyên. Tiềm lực tài chính địa phương ngày càng lớn mạnh, đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm qua, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - chính trị trên địa bàn, cơ sở hạ tầng ở vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể, tăng cường các nguồn lực thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội.
         Ghi nhận những thành tích của Ngành, Hội đồng Nhà nước đã tặng 01 Huân chương Giải phóng hạng ba, 01 Huân chương Giaỉ phóng hạng nhì; 01 Huy chương Giaỉ phóng hạng nhất 1; 02 Huân chương Lao động hạng ba, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND Tỉnh,... đã tăng nhiều cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen, nhiều Huy chương vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam, phong tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cấp ngành cho nhiều cán bộ Tài chính. Đặt biệt năm 2014 Sở Tài chính Gia Lai được Bộ Tài chính tặng Cờ thi đua vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua Ngành Tài chính năm 2014 và được UBND tỉnh tặng Cờ cho Ngành Tài chính nhân dịp 70 năm của Ngành Tài chính VN và 40 năm ngành Tài chính Gia Lai.
         Đạt được những thành tựu nói trên, trước hết là do toàn ngành đã thấm nhuần tư tưởng Hồ chí Minh về cách mạng, về độc lập dân tộc và CNXH, kiên trì, bền bỉ, hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, lao động sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới quản lý kinh tế, tài chính. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, xây dựng và phát triển ngành, đã tuân thủ triệt để phương châm khuyến khích sản xuất, thực hành tiết kiệm, khai thác tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, bố trí, sử dụng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để từng bước nâng cao hiệu quả của các nguồn tài chính. Biết dựa vào dân, bồi dưỡng và động viên tiềm lực trong dân, như Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, làm cho sự nghiệp tài chính phát triển kịp với sự phát triển và đổi mới của đất nước. Lớp lớp đội ngũ cán bộ tài chính đã nối tiếp truyền thống vẻ vang của Ngành, đã không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người cán bộ tài chính. Chính đội ngũ này đã góp phần quan trọng vào thành công của ngành Tài chính trong nhiều thập kỷ qua và sẳn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
Go to Top